Tin sức khỏe: Bị gãy xương, trật khớp, nhiều bệnh nhân tìm đến các lang băm hoặc tự chữa, đắp thuốc không rõ nguồn gốc, làm bệnh nặng thêm, thậm chí phải cắt bỏ tay chân. Gần đây nhất là trường hợp của bà Linh đắp thuốc nam khi bị đau đầu gối.
Bà Linh (tên được thay đổi, 40 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) tới bệnh viện Nhân dân 115 thăm khám trong tình trạng sốt cao, 2 đầu gối bị sưng đỏ, có nhiều bóng nước.
Trước đó khi thấy bị đau khớp gối, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, bà Linh tới thầy lang điều trị bằng cách đắp thuốc nam vào 2 đầu gối.
Sau 3 ngày bó thuốc liên tục, bà thấy bỏng rát ở gối, vùng da quanh 2 khớp nổi bóng nước kèm sốt, vội tới cầu cứu bác sĩ.
Theo BS CK2 Chế Thanh Đoan – Phó khoa cơ xương khớp, qua thăm khám, chẩn đoán người bệnh bị viêm da có mủ, thoái hóa khớp gối.
Sau 10 ngày điều trị bằng truyền kháng sinh tĩnh mạch, giảm đau hạ sốt, bệnh nhân hết sốt, giảm đau, sang thương trên da khô, lành.
BS Nguyễn Văn Thái, Trưởng khoa Chi trên của BV 115 (TP.HCM) dẫn ra một trường hợp (bênh nhân nam, 40 tuổi, ở An Giang) bị té gãy vùng dưới xương quay. Nghe lời của hàng xóm, bệnh nhân đi đắp thuốc. Một thời gian sau, bệnh nhân bị nhiễm trùng cẳng tay, tay sưng, to cẳng tay bên trái, viêm đỏ toàn bộ cánh tay, các ngón tay sưng, viêm, phải nhập BV Chấn thương chỉnh hình để điều trị.
Ông P.N.D (60 tuổi, ở An Giang) bị té gãy tay, cũng đi đắp thuốc nam của một thầy lang. Đắp được 6, 7 ngày thì ông D. không đắp nữa vì hoảng quá, tay ông không giảm đau mà còn sưng vù. Hơn 20 ngày tự chữa trị, tình trạng bệnh ông D. diễn tiến nặng và phải nhập viện để phẫu thuật.
BS Thái phân tích, có những trường hợp bị trật khớp vai, trật khớp tay chỉ cần nắn lại rất đơn giản và cố định một thời gian sẽ lành. Nếu để tình trạng kéo dài 72 tiếng sau thì rất khó nắn lại. Nếu để việc trật khớp vai, tay kéo dài một tuần trở đi thì phải mổ, sau đó phải tập phục hồi chức năng. Do đó, việc chẩn đoán không đúng hoặc chữa không được thì ảnh hưởng đến sự phục hồi xương rất nhiều.
Đối với xương khớp có nhiều chấn thương đơn giản nhưng do bệnh nhân tìm đắp các loại thuốc lá gây biến chứng làm bệnh nặng thêm.
Các BS cũng khuyến cáo, khi bị chấn thương ở vùng cơ quan vận động như tay, chân thì lập tức phải đến BS để chụp phim và được điều trị chứ tuyệt đối không tự ý đắp thuốc vô tội vạ…dễ dẫn tới di chứng khó lường.